Thị trường BĐS vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với các diễn biến hiện tại, các chuyên gia vẫn lạc quan nhận định bức tranh khởi sắc của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Thị Trường BĐS Và Những Yếu Tố Tích Cực
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết nhiều thông tin đang tác động tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, với các nghị định được ban hành như Nghị định 08/2023/NĐ-CP; Nghị quyết 33/NQ-CP; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 10 v.v cho thấy Chính phủ đã và đang có nhiều động thái trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS. Các Nghị định trên được ban hành nhằm miễn, giãn, giảm thuế, phí, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hạ lãi suất v.v hỗ trợ tích cực cho các thành phần tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, không chỉ những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà nhiều địa phương trên cả nước cũng chính thức vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn. Các chuyển biến này bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định khi một số dự án đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc và nhiều dự án được tái khởi động.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn tăng trưởng này đã tạo tiền đề cho chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được triển khai, hoàn thiện. Nhờ đó, nền kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng…
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản tăng tới 9,78%. Con số này gấp 3 lần tín dụng chung của nền kinh tế. Điều này có nghĩa các dự án có phương án vay vốn khả thi vẫn được các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho theo đúng quy định.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng với những diễn biến trên, có thể thấy, những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường BĐS khả năng được khơi thông một phần trong cuối quý 2, đầu quý 3, tạo tiền đề cho sự hồi phục, ổn định và phát triển trở lại trong quý kế tiếp và năm tới. Dấu hiệu phục hồi có thể sẽ rõ nét hơn vào quý 3/2023 khi các dự án nhà ở xã hội được triển khai. Thanh khoản của thị trường sẽ tập trung chính ở phân khúc này.
Trên thực tế, dù nguồn cung không nhiều nhưng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thật, tình trạng pháp lý tốt từ các chủ đầu tư uy tín cũng đủ để thị trường xuất hiện giao dịch thực. Ông Đính cho rằng nhu cầu mua bất động sản vẫn được duy trì ở mức tốt, vẫn đảm bảo đủ đổ hấp dẫn, để kích thích các hoạt động đầu tư, phát triển BĐS, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Các dự án chung cư Hà Nội, chung cư TP.HCM vẫn sở hữu lực cầu lớn.
“Với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành thì nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống dưới 5%, dòng tiền đầu tư sẽ được rút ra khỏi Ngân hàng, quay trở về bất động sản, làm tăng đầu tư, giao dịch trên thị trường”, ông Đính nhấn mạnh.
Vẫn Có Những Khó Khăn Nhất Định
Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Chánh Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc đang ngày càng rõ nét, thị trường BĐS vẫn đang đứng trước những thách thức nhất định. Cụ thể, từ những điểm nghẽn hiện tại về sự khan hiếm quỹ đất, nguồn cung, các vưỡng mắc pháp lý mà vốn FDI rót vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh 61% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư.
Dù tín dụng bất động sản tăng nhưng dòng tiền trên thị trường nhìn chung vẫn yếu dẫn đến sức mua chưa được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa phát sinh nợ do pháp lý, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, không thu hút được chủ đầu tư tham gia. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế.
Hiện sức khỏe của doanh nghiệp thị trường BĐS suy yếu nghiêm trọng do không doanh thu, không nguồn vốn mới. Trong 5 tháng đầu năm, chỉ có hơn 1.700 doanh nghiệp BĐS thành lập mới, giảm 61% so với cùng kỳ. Có 554 doanh nghiệp giải thể, tăng tới 30,4%. Gây ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với thị trường. Nhiều lao động mất việc làm, để lại hệ lụy đến kinh tế – xã hội trong trung và dài hạn. Tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục bất ổn cũng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo batdongsan.com.vn